Đại Nội Huế chắc chắn là điểm dừng chân lý tưởng mà bất cứ du khách nào đến thăm Huế – vùng đất đậm nét lịch sử dân tộc – không nên bỏ qua trong chuyến hành trình này. Bên cạnh việc chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên, khám phá sự độc đáo về kiến trúc của Đại Nội, bạn còn có cơ hội hiểu rõ hơn về lịch sử triều Nguyễn.
Tìm hiểu về di tích lịch sử Đại Nội Huế
Cái tên Đại Nội Huế hẳn không quá xa lạ với những du khách Việt Nam, đặc biệt là những ai yêu thích du lịch và muốn khám phá những địa điểm tham quan nổi tiếng trên mảnh đất hình chữ S này. Vậy nếu có ý định lựa chọn khu Đại Nội này làm điểm dừng chân tiếp theo, bạn đã hiểu được bao nhiêu về di tích lịch sử này rồi?
Tọa lạc bên bờ sông Hương xứ Huế thơ mộng, khu kinh thành Huế ngay lập tức gây được ấn tượng đậm nét với du khách bằng kiểu kiến trúc nghệ thuật cung đình độc đáo của mình. Địa chỉ cụ thể của điểm đến du lịch này nằm tại đường 23/8, phường Thuận Hòa, thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên.
Đại Nội Huế được coi là kiến trúc vĩ đại biểu trưng cho sự uy quyền của các vua chúa dưới triều Nguyễn. Nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế và được công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi UNESCO vào năm 1993. Có thể xem đây là một công trình kiến trúc đồ sộ nhất còn sót lại trên đất nước Việt Nam thời điểm này.
Khám phá quá trình hình thành Đại Nội
Như đã nói ở trên, Đại Nội Huế không chỉ mang ý nghĩa và giá trị về văn hóa, du lịch hay kiến trúc mà ẩn trong đó còn là cả một giai đoạn lịch sử dài của các triều đại vua chúa nhà Nguyễn. Nói về lịch sử xây dựng nên công trình kiến trúc hùng vĩ này, Đại Nội đã trải qua rất nhiều sự đổi ngôi của các vị vua nhà Nguyễn.
Từ thời các chúa Nguyễn, Huế đã được chọn làm thủ phủ đàng Trong từ năm 1687 đến năm 1774. Cho đến khi Quang Trung lên ngôi vua vào năm 1788, cố đô Huế đã chính thức trở thành thủ đô của triều đại Tây Sơn. Tiếp nối sau đó là sự lên ngôi của Nguyễn Ánh (vua Gia Long), mở ra 143 năm của vương triều nhà Nguyễn.
Theo sử sách được ghi chép lại, vào năm 1804 khi vua Gia Long lên ngôi được 2 năm đã cho khởi công xây dựng Đại Nội Huế hay bấy giờ còn được gọi là Kinh thành Huế. Phải đến 30 năm sau, vào thời của vua Minh Mạng, công trình vĩ đại này mới được hoàn tất.
Những kiến trúc độc đáo bên trong Đại Nội Huế
Trải qua nhiều năm thăng trầm của lịch sử, khu di tích Đại Nội hẳn sẽ có ít nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nơi đây vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu, không chỉ của du khách trong nước mà cả khách du lịch nước ngoài mỗi khi lựa chọn Huế là điểm đến trên chuyến hành trình của mình.
Khu di tích Đại Nội Huế được chia ra làm hai khu vực chính là Tử Cấm Thành và Hoàng Thành. Bên trong mỗi khu vực này sẽ là những công trình kiến trúc đặc sắc mà bạn không nên bỏ lỡ. Điểm đặc biệt khi đến với Đại Nội chính là tất cả hệ thống kiến trúc bên trong đều được xây dựng đối xứng đặt xen kẽ hài hòa với thiên nhiên.
Nét độc đáo trong Hoàng Thành của Đại Nội Huế
Sau đây là hai điểm độc đáo nhất từ ngoài vào khu di tích mà bạn không nên bỏ lỡ:
- Cổng Ngọ Môn: Ngọ Môn gây ấn tượng bởi những nét hoa văn tinh xảo, gồm 5 cửa nhỏ với cửa chính là đường để vua đi, hai cửa tiếp là cho quan văn quan võ và cửa ngoài cùng dành cho binh lính. Đây được coi là bộ mặt chính của cung điện Huế khi nhìn ra phía Nam, tức dòng sông Hương thơ mộng. Bên trên cổng là Ngũ Phụng Lầu – nơi tổ chức các nghi lễ lớn trong triều đình.
- Điện Thái Hòa: Công trình kiến trúc đặc sắc và quan trọng bậc nhất nằm trong Hoàng Thành chính là Điện Thái Hòa. Khu này được coi là trung tâm quyền lực thời phong kiến, là nơi tổ chức các buổi triều quan trọng như lễ Đăng quang, các buổi thuyết triều quan trọng. Phần mái và cột của điện được điêu khắc tinh xảo ấn tượng, phía bên trong là nơi đặt ngai vàng của nhà vua.
Khám phá Tử Cấm Thành của Đại Nội Huế
Tử Cấm Thành chính là nơi tiếp theo bạn không nên bỏ qua vì đây là một điểm nhấn ấn tượng nhất, thu hút khách tham quan. Cụ thể nơi đây có gì mời bạn đọc phần tiếp theo.
Đại Cung Môn
Cũng như Ngọ Môn, Đại Cung Môn là cổng chính dẫn bạn vào khu Tử Cấm Thành., gồm 3 cửa với cửa chính dành cho vua và hành lang hai bên nối với Tả Vu, Hữu Vu. Đại Cung Môn hướng ra phía Điện Thái Hòa, với cấu trúc được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ.
Tả Vu Hữu Vu
Đây là hai tòa nhà được xây dựng cho quan văn quan võ vào đầu thế kỉ XIX, dùng để chuẩn bị các buổi triều quan trọng hay tổ chức yến tiệc. Hiện nay Hữu Vu là nơi du khách có thể tham quan chụp ảnh, Tả Vu để trưng bày hiện vật.
Cung Diên Thọ
Trong số các cung điện của Đại Nội Huế, Cung Diên Thọ được đánh giá là kiến trúc quy mô nhất còn sót lại tới tận bây giờ. Với diện tích lên tới hơn 17 nghìn mét vuông, đây chính là nơi ở của những người phụ nữ quyền lực nhất cạnh nhà vua.
Điện Cần Chán
Đây là khu vực để vua thiết triều nằm phía sau Đại Cung Môn, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim với kết cấu đẹp và được chạm khắc công phu bậc nhất trong Tử Cấm Thành. Tuy nhiên vào năm 1947, ngôi điện này đã bị phá hủy.
Thái Bình Lâu
Khu công trình này được xây dựng với mục đích làm nơi để vua nghỉ ngơi, đọc sách làm thơ những lúc nhàn rỗi. Thái Bình Lâu là một công trình kép đã qua trùng tu nhiều đợt nhưng nơi đây vẫn giữ được nét đẹp cũng như lối kiến trúc cổ xưa.
Trải nghiệm khu ẩm thực độc đáo khi tham quan Đại Nội
Nếu đã có cơ hội đến thăm Đại Nội Huế, bạn chắc chắn đừng nên bỏ lỡ những đặc sản ẩm thực của xứ Huế. Dưới đây là những gợi ý để bạn lựa chọn cho trải nghiệm ăn uống của mình tại đây.
- Đặc sản cố đô – Bún bò Huế: Nhắc đến Huế làm sao bỏ qua được món bún bò Huế đặc sản với hương vị đậm đà khó quên.
- Cơm hến: Cơm hến tại Huế mang hương vị khác biệt với các vùng miền khác với giá thành khá rẻ, là một trải nghiệm rất đáng thử khi tới đây.
- Bánh nậm: Món ăn vặt kết hợp giữa bột nếp và tôm thịt đậm đà không thể bỏ qua khi đến Huế.
- Chè Huế: Món tráng miệng nhẹ nhàng, thanh tao làm nên đặc sản của nền ẩm thực xứ Huế.
Bỏ túi những điều cần chú ý khi tới Đại Nội Huế
Khu kinh thành Huế này là một điểm đến rất đáng để bạn lựa chọn cho chuyến tham quan du lịch của mình. Dành cho những ai chưa từng tới đây và có ý định tham quan di tích Kinh thành Huế trong thời gian tới, đây sẽ là các kinh nghiệm mà bạn cần nằm lòng để có một chuyến đi tới Huế trọn vẹn.
Lên kế hoạch cụ thể cho chuyến đi Đại Nội
Tổng diện tích của hai khu Hoàng Thành và Tử Cấm Thành rất lớn, vì vậy nếu muốn tham quan hết khu di tích này, kết hợp với ngắm cảnh phải mất đến nửa ngày. Chính vì vậy bạn cần lên trước kế hoạch cụ thể sẽ đi những đâu để vừa có thể chiêm ngưỡng được hết nét đẹp kinh thành Huế mà không mất quá nhiều thời gian.
Lựa chọn phương tiện di chuyển tới Đại Nội
Do Đại Nội Huế không nằm quá xa trung tâm thành phố, vì vậy mà bạn có nhiều sự lựa chọn về phương tiện đi lại của mình trong chuyến tham quan lần này. Từ trung tâm Huế, bạn đi dọc tuyến đường theo bờ Nam sông Hương, đến cầu Trường Tiền rẽ vào Bạch Hổ rồi đi theo đường Quảng Đức là dễ dàng tới nơi.
Nếu muốn vừa di chuyển vừa ngắm cảnh, bạn có thể lựa chọn đi xe đạp hoặc xích lô bởi những cung đường ở đây không quá khó đi. Các bạn trẻ thường sẽ ưa chuộng xe máy hơn do có thể di chuyển tự do, chủ động cũng như thăm quan được nhiều địa điểm. Còn nếu bạn chỉ muốn tới Đại Nội, di chuyển bằng taxi là lựa chọn phù hợp nhất.
Nên tham quan Đại Nội Huế vào thời gian nào trong năm?
Thời điểm tham quan Đại Nội cũng là một yếu tố quan trọng mà bạn nên cân nhắc trước khi bắt đầu chuyến đi của mình. Mỗi thời điểm trong năm đều mang đến những trải nghiệm thú vị và làm nên những nét đẹp khác nhau của Đại Nội, vì vậy dưới đây bài viết sẽ gợi ý cho bạn thời điểm lý tưởng nhất để đến thăm nơi này.
- Mùa xuân (Tháng 1, 2): Mùa xuân chính là lúc tiết trời đẹp và dễ chịu nhất trong năm, chắc chắn là thời điểm lý tưởng nhất cho chuyến hành trình tới thăm Đại Nội. Với sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc nghệ thuật cung đình và tiết trời chuyển giao, bạn còn có cơ hội sở hữu những bộ ảnh rất thơ đấy.
- Mùa lễ hội (Tháng 4, 5): Nếu bạn là người ưa sự sôi động của các lễ hội, hãy đến Đại Nội Huế vào khoảng tháng 4, tháng 5. Lúc này là thời điểm diễn ra Festival Huế tổ chức hàng năm, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn Huế về đêm, tham gia các hoạt động lễ hội và biết thêm về nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Thời gian đón khách và giá vé tham quan Đại Nội
Đối với tham quan Đại Nội, giờ mở cửa ở đây là từ 6h30 sáng đến 17h30 chiều vào mùa hè và 7h sáng đến 17h chiều vào mùa đông. Bạn nên chú ý để có thể sắp xếp được thời gian phù hợp nhất tới tham quan.
Mức giá vé vào Đại Nội Huế cũng được quy định dựa trên ba đối tượng chính. Giá vé vào Đại Nội của người lớn là 200.000VND, trẻ em là 40.000VND và khách nước ngoài là 150.000VND. Với những địa điểm tham quan khác như Lăng Minh Mạng, Lăng Tự Đức,… giá vé sẽ có chút chênh lệch.
Tổng kết
Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về Đại Nội Huế – một trong những điểm đến hội tụ đầy đủ nét tinh hoa về văn hóa, kiến trúc và lịch sử. Với những hiểu biết và kinh nghiệm mà bài viết trên đã chia sẻ, còn chần chờ gì mà bạn lại không thêm khu Đại Nội này vào list điểm đến trong tương lai của mình nhỉ? Chúc bạn sẽ có một chuyến đi thật tuyệt vời và đáng nhớ.